Tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60,1 km, đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 100 km/h, địa điểm thực hiện tại tỉnh Đồng Nai.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 8.365,651 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.065,651 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỷ đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật, được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật PPP và pháp luật về đầu tư.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn nhà nước trong dự án để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị mặt bằng xây dựng để thực hiện dự án theo quy định pháp luật.
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây – Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Nguồn: Hải Linh